Cây sầu đâu còn có nhiều tên gọi khác như: xoan Ấn Độ, xoan ăn gỏi, cây nim, xoan sầu đâu… Từ lâu, vị thuốc quý này đã được sử dụng theo kinh nghiệm dân gian chữa rất nhiều bệnh như đái tháo đường, tiêu chảy, sốt rét,... đặc biệt là các bệnh về da như mụn trứng cá, eczema, vẩy nến...

Sầu đâu đã được sử dụng từ hơn 4000 năm trước tại Ấn Độ, cây rất dễ trồng có sức sống mãnh liệt vì có thể phát triển tốt ở những vùng nhiệt độ cao như sa mạc, bán hoang mạc. Năm 1981, một số hạt giống của sầu đâu được đưa về trồng thử nghiệm tại Ninh Thuận. Đến nay, sầu đâu trở thành một cây quen thuộc ở Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh phía Nam như Ninh Thuận, Kiên Giang, An Giang. Theo kinh nghiệm dân gian, sầu đâu không chỉ dùng để ăn gỏi mà còn dùng làm thuốc chữa rất nhiều bệnh.  Ở Ấn Độ, người ta thường gọi sầu đâu là “nhà thuốc của dân làng” vì cây này có thể chữa được hầu hết các bệnh cho người trong làng. Ở vùng Đông Phi, người ta lại gọi sầu đâu là “Cây bốn mươi” (Village Pharmacy Tree) vì người ta thấy rằng sầu đâu có thể chữa được 40 loại bệnh khác nhau. Ở Việt Nam, người dân thường sắc thuốc từ vỏ thân cây sầu đâu để làm thuốc chống sốt rét, chữa các bệnh ngoài da hoặc dùng lá chữa mụn nhọt, lở loét, eczema, dùng quả để làm thuốc tẩy giun…

Nghiên cứu tác dụng trị trứng cá của cây sầu đâu

Nghiên cứu tác dụng trị trứng cá của cây sầu đâu

Sầu đâu còn có tên gọi khác “neem” hay là xoan Ấn Độ. Đây là loài cây thân mộc có tuổi thọ khoảng 200 năm và tất cả các bộ phận có trên thân cây này đều là nguồn dược liệu quý. Cây sầu đâu khác hẳn cả về hình dáng lẫn tác dụng so với cây xoan đâu thường mọc ở miền Trung: cây xoan đâu có lá màu xanh, hoa màu tím, đặc biệt lá rất độc và không ăn được. Ngược lại, sầu đâu hoa màu trắng xanh, lá màu rất xanh, mọc đối xứng, mép lá có răng cưa và đặc biệt là hai đáy của phiến lá không đều; theo y học cổ truyền lá sầu đâu có vị đắng, tính mát, có thể ăn được và có chứa rất nhiều tác dụng tốt. Tác dụng kỳ diệu của lá sầu đâu đã được người Ấn Độ ứng dụng từ xa xưa để làm thuốc hạ đường huyết, chống viêm, chống ung thư, kháng khuẩn, kháng nấm, chữa sốt rét. Ngoài ra nó còn có tác dụng chống oxy hóa tế bào và kháng các tác nhân gây đột biến gen hoặc ung thư...

Sầu đâu là loại thảo dược được sử dụng rất phổ biến để chữa các bệnh về da đã được chứng minh là rất hữu hiệu trong việc điều trị mụn trứng cá, eczema, lở loét... Đó cũng là lý do vì sao tắm với lá sầu đâu trong nước nóng đã trở thành một tục lệ ở Ấn Độ. Bất cứ khi nào có vấn đề gì về da, từ dị ứng đến những bệnh về da nặng, người ta thường nấu nước lá sầu đâu để tắm rửa.

Phương pháp làm đẹp hiệu quả, mang lại làn da mịn màng từ cây sầu đâu được nhiều người sử dụng là: nấu một nồi nước với lá sầu đâu (cho khoảng 50 lá vào hai lít nước) cho đến khi lá mềm và phai màu còn nước thì trở nên xanh. Lọc lấy nước chứa vào chai. Cho khoảng 100ml nước này vào trong nước tắm sẽ giúp làm lành vết  mụn trứng cá, nhiễm trùng da và u nhọt.

 

Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy dịch chiết từ lá cây sầu đâu có hiệu quả trên các bệnh ngoài da như vẩy nến, chàm và đặc biệt là mụn trứng cá. Cây sầu đâu có tác dụng diệt vi trùng gây mụn và giúp giảm viêm do mụn trứng cá gây ra. Những bệnh ngoài da như da nhăn, gàu, ngứa, da dầu cũng có thể chữa lành bằng cách dùng thuốc nước, kem chứa cao lá sầu đâu.

Nhiều nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng thành phần của cây sầu đâu có tác dụng chống vi khuẩn tốt. Đó là do trong thành phần của sầu đâu có chứa aspirin có tác dụng giảm viêm mạnh. Chính vì vậy sầu đâu có hiệu quả trong điều trị mụn trứng cá.

Một nghiên cứu khác tại trung tâm y tế quốc gia Delhi của Ấn Độ, hoàn thành vào tháng 6 năm 2012 trên các bệnh nhân bị mụn trứng cá đã đánh giá được tác dụng cải thiện cuộc sống của các thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 12-25 bị mụn trứng cá. 

Hoài Thu

 

Bình luận