3 nguyên nhân khiến vẩy nến “ghé thăm” bạn
Vẩy nến xảy ra khi các tế bào da bị chết và thay thế nhanh hơn bình thường. Dưới đây là 3 nguyên nhân dẫn đến bệnh vẩy nến, bạn hãy “note” lại để phòng ngừa căn bệnh này nhé!
Điều gì khiến tôi mắc bệnh vẩy nến?
Thông thường, các tế bào da mới sẽ được hình thành ở tầng sâu nhất và di chuyển dần dần đến khi trở thành lớp ngoài cùng. Sau đó, chúng sẽ chết và bong đi hoàn toàn. Cả quá trình này thường mất 3-4 tuần. Nhưng ở những người mắc bệnh vẩy nến, quá trình này bị rút ngắn lại chỉ còn 3-7 ngày. Do đó, các tế bào không phát triển kịp mà tích tụ ở bề mặt da tạo nên những mảng đỏ sần sùi, đó chính là vẩy nến.
Vẩy nến là bệnh về da mạn tính rất thường gặp, không lây từ người này qua người khác. Nhưng căn bệnh này gây mất thẩm mỹ, khiến người mắc rất ngứa ngáy, khó chịu… tại các tổn thương trên da, gây nứt da và chảy máu. Vẩy nến thường xuất hiện ở các vùng da bị tỳ đè như khuỷu tay, đầu gối, da đầu…
Bệnh thường tái phát theo từng đợt, có khi tăng giảm theo mùa, đặc biệt là dễ bùng phát vào mùa đông. Vẩy nến làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của người bệnh. Thông thường, nam sẽ dễ mắc vẩy nến hơn nữ, người trưởng thành hay bị hơn trẻ em.
Vẩy nến nếu không được điều trị sẽ dễ dẫn đến tổn thương khớp (20% người bệnh vẩy nến bị biến chứng về khớp như viêm khớp mạn tính, biến dạng khớp, cứng khớp, hạn chế vận động…), tổn thương móng (chiếm 30-40%, móng tay và chân của người bệnh sẽ ngả màu vàng đục, chấm lỗ rỗ trên bề mặt, dễ gẫy, thậm chí là mất móng)…
Vẩy nến là một bệnh về da khá phổ biến ở nước ta
1. Hệ miễn dịch gặp trục trặc
Hệ miễn dịch là lực lượng bảo vệ cơ thể bạn khỏi sự xâm phạm của vi khuẩn, bệnh tật. Khi hệ miễn dịch khỏe sẽ nhanh chóng phát hiện và tiêu diệt mầm bệnh. Nhưng do một nguyên nhân nào đó, hệ thống miễn dịch bị suy yếu, khiến chúng tấn công nhầm các tế bào khỏe mạnh, làm kích thích các tế bào phát triển nhanh hơn bình thường và gây ra bệnh vẩy nến. Đồng thời, khi hệ miễn dịch suy yếu sẽ không còn đủ sức để tiêu diệt và kiểm soát sự bùng phát của vẩy nến nữa.
2. Di truyền
Nếu gia đình có tiền sử bị vẩy nến thì khả năng bạn bị vẩy nến là rất cao. Các nghiên cứu đã cho thấy, nhiều gen khác nhau có liên quan đến sự hình thành và phát sinh bệnh vẩy nến. Do vậy, sự kết hợp khác nhau giữa các gen sẽ ảnh hưởng đến sự tiềm ẩn nguy cơ, mức độ của bệnh vẩy nến là khác nhau ở từng người.
3. Lối sống, sinh hoạt hàng ngày mất cân đối
Bệnh vẩy nến khi gặp những điều kiện thuận lợi sẽ bùng phát như: tổn thương da, thay đổi hormone (đặc biệt ở tuổi dậy thì, phụ nữ thời kì mãn kinh…), hút thuốc lá, uống rượu bia, chấn thương tâm lý, dùng thuốc (thuốc kháng viêm, thuốc ức chế ACE, thuốc chẹn beta…), bệnh lý gây rối loạn miễn dịch…
Hoa Hoa
Bình luận