Bệnh sởi ở trẻ nhỏ có nguy hiểm không? Điều trị như thế nào hiệu quả?
Bệnh sởi ở trẻ nhỏ có nguy hiểm không là vấn đề được nhiều cha mẹ quan tâm. Đây là một trong những căn bệnh truyền nhiễm cấp tính và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành đại dịch. Vậy để hiểu rõ hơn về bệnh sởi cũng như cách chăm sóc trẻ và điều trị căn bệnh này, mời bạn cùng theo dõi nội dung bài viết sau!
Bệnh sởi là gì?
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus ARN thuộc chi Morbilivirus nằm trong họ Paramyxoviridae gây ra, với các triệu chứng như: Sốt cao, phát ban, đau nhức cơ thể, ho khan, chảy nước mũi,… Sởi tuy ít gây tử vong nhưng đây là loại virus nguy hiểm bởi các biến chứng có thể xảy ra. Vì vậy, kiến thức về bệnh sởi là điều mà mọi người ai cũng cần phải nắm được để tránh gặp nguy hiểm, đặc biệt với đối tượng trẻ em.
Hình ảnh virus gây bệnh sởi
>>Xem thêm: Dịch bệnh sởi và những kiến thức cơ bản dành cho bạn
Biến chứng bệnh sởi ở trẻ nhỏ là gì?
Trước thắc mắc liên quan tới việc trẻ bị sởi nguy hiểm ra sao, các chuyên gia y tế cho biết, sởi là bệnh tiến triển rất nhanh, nặng và có thể gây biến chứng nguy hiểm ở trẻ nhỏ, đặc biệt là các trẻ bị suy dinh dưỡng hoặc mắc bệnh tim bẩm sinh, viêm phổi mạn tính hay những bệnh suy giảm hệ miễn dịch. Ở các trẻ này, sức đề kháng vốn dĩ đã kém, nên khi mắc sởi, hệ miễn dịch càng suy giảm, bé mau xuống sức và khiến bệnh chuyển biến nặng. Cũng theo thống kê của ngành y tế, khoảng 20% trẻ mắc bệnh sởi có biến chứng. Những nguy hiểm hay gặp ở trẻ dưới 2 tuổi thường là suy dinh dưỡng, viêm phổi; ở trẻ trên 2 tuổi và người lớn thường là viêm cơ tim, viêm não,… Cụ thể:
- Viêm tai giữa: Đây là biến chứng thường gặp của người bị sởi, xảy ra ở 1/10 trẻ mắc bệnh sởi.
- Viêm thanh quản: Thường xuất hiện ở giai đoạn khởi phát của bệnh, gây đau họng, khó thở do co thắt thanh quản. Hoặc những trường hợp bội nhiễm khiến người bệnh sốt cao, khản tiếng, khó thở, tím tái,…
- Viêm phổi nặng: Có thể xảy ra khoảng 1/20 trẻ mắc bệnh. Trẻ thường thấy khó thở, sốt rất cao.
- Viêm não: Xảy ra khoảng 1/1000 trẻ mắc bệnh: Đây là biến chứng rất nguy hiểm và để lại di chứng cao. Viêm não có thể khiến trẻ bị hôn mê, co giật, gây tử vong hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, thể chất với trẻ sống sót.
- Viêm màng não: Có thể viêm màng não thanh dịch hoặc viêm màng não mủ sau viêm tai do bội nhiễm.
- Tiêu chảy hoặc ói mửa: Tiêu chảy sau sởi thường nguy hiểm và nghiêm trọng hơn rất nhiều so với tiêu chảy cấp do virus thông thường.
- Mờ hoặc loét giác mạc có thể gây mù lòa: Có thể xảy ra ở những trẻ suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A, đặc biệt là đối với trẻ ở những vùng khó khăn, thiếu cơ sở y tế (ở châu Phi, sởi là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa).
Biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra nếu trẻ bị sởi không được chữa trị kịp thời
>> Xem thêm: Cách nhận biết bệnh sởi
Bệnh sởi ở trẻ em có lây không?
Bệnh sởi do virus tấn công, rất dễ lây truyền qua đường hô hấp khi ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng. Giai đoạn lây nhiễm xảy ra từ 4 ngày trước đến 4 ngày sau phát ban.
Virus sởi lây lan mạnh trên diện rộng nên có thể tạo thành đại dịch. Một người mắc sởi có thể lây truyền cho khoảng 20 người khác. Đây là bệnh lây nhiễm từ người sang người.
>> Xem thêm: Những lưu ý khi chăm sóc trẻ bị sởi tại nhà
Cách điều trị bệnh sởi ở trẻ nhỏ
Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sởi, cách tốt nhất để không mắc phải virus này đó chính là tiêm vacxin phòng bệnh. Đối với người đang mắc bệnh thì phương pháp điều trị chủ yếu là xử lý các triệu chứng, chăm sóc và nuôi dưỡng người bệnh.
Điều trị bệnh sởi sớm sẽ giúp bé thoát khỏi nguy hiểm
Một số cách dùng để điều trị triệu chứng bệnh sởi là:
- Hạ sốt: Có thể áp dụng các phương pháp hạ sốt vật lí hoặc sử dụng thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol.
- Thuốc ho, long đờm.
- Kháng histamin: Alimemazin, desloratadin,...
- Kem bôi ngoài da trị sởi.
- Sát trùng mũi họng: Nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng dung dịch chloromycetin, argyrol…
- Kháng sinh hoặc corticoid chỉ dùng khi có bội nhiễm và trường hợp biến chứng nặng như viêm thanh quản, viêm não, sởi ác tính,… đồng thời, phải được sử dụng theo liều lượng bác sĩ chỉ định.
- Các biện pháp hồi sức tùy theo triệu chứng của bệnh nhân: Hồi sức hô hấp khi có suy hô hấp (thở oxy, hô hấp hỗ trợ…), hồi sức tim mạch,…
- Chế độ ăn uống nên đầy đủ dưỡng chất, nấu dạng súp, lỏng dễ nuốt (chia nhỏ thành nhiều bữa nếu người bệnh không muốn ăn) và tránh các đồ cay, chua, nóng.
>> Xem thêm: Bệnh sởi ở trẻ sơ sinh - Cha mẹ chớ nhầm với sốt phát ban
Nếu không được điều trị kịp thời, sởi ở trẻ nhỏ có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Hãy tìm hiểu rõ về bệnh lý để phát hiện sớm và có phương pháp xử lý kịp thời cho bé nhé!
Hà My
Bình luận