Các thể lâm sàng và chữa bệnh mụn trứng cá
Trứng cá là một bệnh của nang lông tuyến bã được thể hiện dưới nhiều hình thái tổn thương đa dạng như: nhân trứng cá, sẩn, mụn mủ, cục..v..v. Bệnh có thể để lại hậu quả khác nhau như vết thâm, sẹo lõm, sẹo lồi...
Bệnh xuất hiện nhiều nhất ở nam, nữ tuổi dậy thì (90% ở lứa tuổi từ 13 -19 tuổi cho đến 30 - 40 tuổi). Nữ giới thường bị nhiều hơn nam giới. Bệnh trứng cá nếu không đuợc điều trị kịp thời phù hợp sẽ để lại sẹo vĩnh viễn gây ảnh huởng tới chất lượng cuộc sống.
bệnh mụn trứng cá
Các thể lâm sàng và Chẩn đoán bệnh trứng cá
Triệu chứng lâm sàng
- Trứng cá thông thường: Là thể rất phổ biến ở cả hai giới, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên. Các thương tổn cư trú đặc biệt ở vùng da mỡ gồm mặt (má, trán, cầm), ở vùng giữa ngực, lưng, vai. Tổn thương đa dạng: nhân trứng cá, sẩn, sẩn mụn, mụn mủ, u viêm tấy, áp xe.
- Trứng cá đỏ: thường gặp ở người da trắng từ 30 - 50 tuổi, đa số gặp ở nữ, nhất là người có cơ địa da dầu, những người sử dụng thuốc bôi có cortecoid. Vị trí tổn thương ở vùng mặt, mũi, xung quanh miệng. Bệnh kèm theo cảm giác nóng bừng ở mặt trên nền da đỏ xuất hiện từng đợt sẩn mủ, sau nhiều đợt tiến triển nhất là ở nam giới thường có phản ứng phì đại, xơ hoá ở vùng mũi tạo thành mũi sư tử. Nguyên nhân thường có vai trò của ropionibacterium acnes và demodex folliculorum.
- Trứng cá mạch lươn: bệnh gặp chủ yếu ở nam giới, bắt đầu sau tuổi dậy thì và tiếp tục kéo dài trong những năm về sau. Vị trí tổn thương ở ngực, mặt, lưng, vai và cổ...Tổn thương bắt đầu bằng mụn mủ ở nang lông, các ổ mủ to dần đi vằn vèo thành hang hốc với nhiều lỗ đào, nhiều cầu da. Bệnh tiến triển dai dẳng và khó chữa
- Trứng cá sẹo lồi: thường gặp ở nam giới, khu trú ở vùng ngực, gáy, vùng rìa tóc...tổn thương giống sẹo lồi, trên bề mặt có vài mụn mủ tiến triển lâu dài và để lại sẹo
- Trứng cá hoại tử: nguyên nhân có thể do mẫn cảm của nguời bênh với vi khuẩn, bệnh thường gặp ở nam giới, tổn thương khu trú đối xứng ở trán, thái dương, dìa tóc. Tổn thương để lại sẹo lõm tồn tại vĩnh viễn.
- Trứng cá do thuốc: Nhiều loại thuốc có thể gây nên thương tổn dạng trứng cá khó có thể phân biệt với trứng cá thực sự, các thuốc nội tiết, thuốc chống lao, corticoid...
- Trứng cá nghề nghiệp: Nguyên nhân thường do tiếp xúc với hoá chất, dầu mỡ, thương tổn gần giống trứng cá thường : nhân, mụn mủ, sần, nang...
- Mũi sư tử: Do tuyến bã hai bên mũi quá sản, khiến chất bã bài tiết rất nhiều kém theo thói quen nặn làm cho tổ chức tuyến bã bị phì đại, quá sản thành lỗ chân lông quá rộng làm mũi bị biến dạng, khi nặn sẽ thấy chất bã phụt ra.
Nguyên nhân của bệnh: Mặc dù có nhiều nguyên nhân gây bệnh nhưng có 3 cơ chế chính gây nên bệnh trứng cá:
- Sự tăng tiết bã nhờn: Sự hoạt động của tuyến bã có sự biến đổi liên quan với các hormon, đặc biệt là hormon sinh dục nam và trong đó testosteron là hormon có tác dụng kích thích sự phát triển và bài tiết chất bã, đồng thời làm giãn rộng và làm tăng thể tích tuyến bã ở mặt.
- Sự ứ đọng chất bã: Sừng hoá cổ nang lông tuyến bã.
- Sự sản xuất quá mức các chất bã kết hợp với dày sừng ở phễu nang lông gây nên hiện tượng ứ đọng chất bã. Nguyên nhân của dày sừng này là do tác dụng kích thích của chất bã lên thành nang lông.
- Sự viêm nhiễm: vai trò của vi khuẩn Propionibacterium acne, vi khuẩn này có khả năng phân huỷ lipid, giải phóng acid béo tự do gây viêm mạnh.
Điều trị bệnh trứng cá
Các thuốc sử dụng trong điều trị bệnh trứng cá:
- Thuốc làm giảm bã nhờn: Rửa mặt hoặc bôi tại chỗ: Acneaid, Isotrétinoine
- Thuốc ngăn chặn ứ đọng chất bã: Vitamin A acid tại chỗ, Isotrétinoine, Peroxyde de benzoyle
- Thuốc hạn chế viêm: Peroxyde de benzoyle
- Chống nhiễm trùng
+ Kháng sinh tại chỗ: erythromycine, clindamycine...
+ Kháng sinh uống: tetracycline, erythromycine...
Cách phòng chống bệnh trứng cá
- Loại bỏ nguyên nhân
- Sinh hoạt điều độ, tránh thức khuya, hạn chế ăn chất cay nóng, dầu mỡ...
- Vệ sinh da mặt hàng ngày, tránh nặn mụn, chà xát tổn thương.
Sưu tầm
Bình luận