CÁC YẾU TỐ GÂY HẠI CHO DA
TÁC ĐỘNG CỦA CUỘC SỐNG
Lão hóa da
Thông thường da bị lão hóa dần theo năm tháng và biểu hiện rõ ở độ tuổi 50, nhưng nếu thường xuyên để da phơi ngoài thời tiết xấu hoặc ánh nắng, da sẽ bị lão hóa sớm và có thể ở mức độ rất trầm trọng.
Từ 3 tuổi, cấu trúc của da đã hoàn thiện và được gọi là “da trưởng thành”. Sự lão hóa da là hậu quả của nhiều yếu tố tác động. Trước hết là do nguyên nhân nội sinh, tự nhiên và lũy tiến theo thời gian, không giống nhau mà tùy thuộc vào tính di truyền của mỗi người, biểu hiện là da thoái hóa do giảm tính đàn hồi và bị mất nước.
Ở phụ nữ, trong giai đoạn tiền mãn kinh (thường ở độ tuổi 45), sự bài tiết các hormone nữ progesterone, oestrogene bị rối loạn và trở nên không đều. Tế bào da có các thụ thể của những hormone này, sự gắn kết đó tạo ra các tác dụng khác nhau như khô và căng da xen kẽ với giai đoạn giữ nước. Mặt khác, các hormone nam (androgene bài tiết với lượng ít ở phái nữ bởi tuyến thượng thận) mất thăng bằng với oestrogene và progesterone, gây da nhờn thoáng qua, mụn trứng cá, thậm chí mọc lông nhẹ ở mặt. Vào thời điểm mãn kinh, việc ngừng các hormone được tạo ra ở buồng trứng sẽ làm xáo trộn toàn bộ sự cân bằng trên da và làm da hư hại.
Lớp thượng bì, do thiếu các hormone khởi động thay mới tế bào, nên sẽ kiềm hãm sự bài tiết mồ hôi và làm teo tuyến bã. Da mỏng đi, màng hydrolipid bảo vệ suy yếu; Da trở nên khô, mất nước, sẫm màu và thô ráp... Ở lớp bì thì hoạt tính của nguyên bào sợi giảm, thậm chí gia tăng sản xuất mélanine. Nếu tiếp xúc nhiều với ánh nắng có thể tạo ra các đốm sắc tố, da giảm tính đàn hồi, trở nên mỏng và dễ chùn giãn, khô do giảm khả năng co kéo và giữ nước.
Tác động có hại của thuốc lá
Thuốc lá làm cho da bị lão hóa sớm, có màu vàng nhạt và gia tăng sự xuất hiện các nếp nhăn, nhất là ở những người thường xuyên phải phơi nắng. Ngoài ra, hút thuốc lá còn làm xuất hiện sớm các nếp nhăn ở khóe mắt ngoài. Một nghiên cứu mới đây đã cho thấy có mối liên quan giữa số nếp nhăn với lượng thuốc lá tiêu thụ.
Nicotine được chứng minh làm chậm khả năng lành sẹo của da. Vì vậy, người được thực hiện thủ thuật xóa nếp nhăn không nên hút thuốc lá. Sau cùng, hút thuốc còn có nguy cơ làm tích tụ và phát triển u hắc tố bào ác tính. Nguy cơ này trở nên trầm trọng hơn trong trường hợp hút thuốc có kết hợp với dùng các hormone ngừa thai.
Sự lão hóa của cấu trúc da bị ảnh hưởng rõ rệt bởi chứng nhiễm độc thuốc lá: da có màu xám, lớp thượng bì dày và khô, xuất hiện nếp nhăn sớm, ngoài ra ở lớp bì giảm các sợi đàn hồi.
Tác động có hại của thuốc lá đối với sức khỏe cũng tương ứng với tác động chính của nicotine gây co mạch, dẫn đến thiếu oxy ở mô.
Những rối loạn da ở phụ nữ có thai
Việc có thai sẽ gây ra những khó chịu và rối loạn ở các cơ quan nội tạng như: da, đường tiêu hóa, miệng, tĩnh mạch, thần kinh. Những rối loạn ở da có liên quan đến bốn biểu hiện sau:
- Gương mặt người có thai:
Đó là những đốm màu nâu, có khi xuất hiện rất sớm trên mặt, đặc biệt là ở vùng gò má và trán. Nguyên nhân do tác động của ánh sáng, oestrogene và progesterone tăng cùng với lưu lượng máu tăng cao trong thời kỳ mang thai. Phần lớn tổn thương này sẽ biến mất sau khi sinh, đôi khi tổn thương tái xuất hiện do dùng thuốc viên ngừa thai. Để dự phòng, nên bảo vệ và che chắn da cẩn thận khi đi nắng.
- Vết rạn da:
Thường xuất hiện ở lần có thai đầu tiên, ban đầu xuất hiện ở ngực, về sau là ở đùi và bụng. Vết rạn da sinh ra do sự tăng cân nhiều và nhanh. Việc có hay không các vết rạn da sẽ tùy thuộc vào sự dự phòng và chất lượng da của thai phụ. Khi bị kéo giãn ra, da bị khô và sau đó là gây ngứa tại chỗ. Dự phòng bằng cách bôi kem dưỡng da.
- Ngứa:
Ngứa đôi khi kết hợp với vết rạn da, và khi đó ngứa giới hạn ở vùng khô da của cơ thể. Ngứa cũng có thể do “yếu” gan gây ra. Thường xuất hiện ở thời kỳ tam cá nguyệt thứ 3, biểu hiện thất thường và hiếm khi ngứa dữ dội. Ngứa thường xảy ra trên bụng, chi và các ngón, không bao giờ xuất hiện ở lưng, gây cảm giác khó chịu, đặc biệt là vào buổi chiều.
- Mụn trứng cá:
Ở phụ nữ có thai thường có hiện tượng rối loạn bài tiết chất bã nhờn và gây những đợt mụn trứng cá. Mụn trứng cá thường có ngay sau khi có thai và thuyên giảm vào cuối thai kỳ. Vấn đề điều trị ở giai đoạn này cần tránh sử dụng kháng sinh dạng uống thông thường cũng như vitamin A. Nên dùng phương pháp điều trị tại chỗ để cải thiện tình trạng mụn của bệnh nhân.
-Stress, những rối loạn tâm thần
Da cũng thường bị ảnh hưởng của nhiều yếu tố tâm lý như stress, lo âu, sợ hãi... Có thể biểu hiện bằng các triệu chứng đỏ bừng, tái mét, chàm, vảy nến, rụng tóc, ra mồ hôi tay hoặc mụn rộp tái phát.
Một số bệnh như giời leo (Zona), mụn rộp (herpès) hoặc chàm có thể khởi phát hoặc trầm trọng hơn bởi các yếu tố tâm lý. Stress hoặc sốc về tình cảm cũng là yếu tố thuận lợi của bệnh vảy nến.
Người ta đã chứng minh các rối loạn tâm lý có ảnh hưởng rõ rệt đến mụn trứng cá... Trạng thái xúc cảm như căng thẳng có thể làm kịch phát bệnh chàm.
- Sử dụng thuốc
Thuốc có thể gây những tác dụng không mong muốn trên da. Thường gặp là phát ban do thuốc, đa số là tạm thời, không trầm trọng. Cũng có khuyến cáo nên tránh nắng khi đang dùng một số loại thuốc. Sử dụng đồng thời nhiều chất thuốc cũng có thể gây dị ứng ở da với các mức độ khác nhau.
Thông thường, dị ứng ở da do dùng thuốc biểu hiện bằng các mảng đỏ, cơn mề đay kịch phát, ngứa. Với những trường hợp này, cần phải lưu ý và thận trọng về những thuốc đã sử dụng và gây dị ứng để phòng ngừa.
"Sưu tầm"
Bình luận