Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây nên, thường gặp ở trẻ. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp. Đến nay, sởi vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm dễ gây thành dịch và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi.

Hiện nay, bệnh sởi vẫn có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến không ít phụ huynh lo lắng và không đủ tỉnh táo để phân biệt được dấu hiệu khi con mắc bệnh. Nhiều người khi con mình bị sốt phát ban lại nghĩ mắc sởi và ngược lại. Các chuyên gia cho rằng, sởi và sốt phát ban có những triệu chứng giống nhau nhưng phân biệt không khó. Cha mẹ cần nhận biết đúng bệnh sởi ngay từ đầu để có cách chăm sóc và điều trị đúng, từ đó tránh được những biến chứng nguy hiểm.

Cách phân biệt bệnh sởi và sốt phát ban

Sốt phát ban hầu hết là do nhiễm virus thông thường (70% – 80%), trong đó nhóm virus đường hô hấp luôn chiếm đa số và hầu hết là lành tính. Tác nhân gây bệnh sởi là virus thuộc giống morbillivirus của họ paramyxoviridae. 

Phát ban thông thường là hồng ban dạng mịn và sáng, ít gồ lên mặt da, ban nổi đồng loạt khắp cơ thể của trẻ. Sau khi bay thường không để lại dấu tích gì trên da.

Còn đối với bệnh sởi, phát bán lúc đầu xuất hiện ở sau tai, sau đó lan ra mặt, dần xuống ngực bụng và ra toàn thân. Khi ban sởi biến mất cũng mất dần theo thứ tự đã nổi trên da. Đặc điểm ban sởi là dạng sẩn, gồ lên mặt da, khi bay sẽ để lại những vết thâm sẹo. Đặc biệt, trẻ bị nhiễm sởi thường có một số triệu chứng đặc trưng đi kèm như chảy nước mũi, ho hay dấu hiệu mắt đỏ.

 

Dấu hiệu khi trẻ mắc sởi

Dấu hiệu nhận biết khi trẻ mắc sởi

- Trẻ có dấu hiệu sốt cao liên tục khoảng 38 - 39 độ C

- Trẻ có dấu hiệu hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt, kết mạc mắt đỏ, giác mạc và mi mắt có thể bị sưng phù, ho đờm, khản giọng, một số trường hợp có thêm triệu chứng tiêu chảy.

- Xuất hiện những chấm đỏ trong niêm mạc má, dấu hiệu này thường mất nhanh trong vòng 12 đến 18 giờ.

- Sau khi sốt, trẻ bắt đầu xuất hiện phát ban. Đầu tiên, các nốt ban xuất hiện ở sau tai, rồi lan dần lên 2 bên má, cổ, ngực, bụng và phần chi trên, đến toàn thân. Ban sởi màu hồng nhạt, ấn vào mất, thường kết dính lại với nhau. Trong trường hợp nhẹ, ban mọc thưa thớt. Khi bệnh nặng, ban mọc dày đặc cả lòng bàn tay, bàn chân.

- Sau khoảng 3 - 4 ngày, nếu không có biến chứng, ban sẽ bắt đầu bay theo trình tự xuất hiện để lại vùng da bị ảnh hưởng những vết thâm đen trên bề mặt da.

Sự nhầm lẫn giữa sởi và sốt phát ban sẽ dẫn đến việc điều trị, chăm sóc sai cách, khiến trẻ có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần chú ý phát hiện và nhận biết đúng bệnh để giúp trẻ nhanh hồi phục.

Thùy Anh

Bình luận