Đồi mồi, nứt nẻ, chàm: Chớ xem thường
TS-BS Lê Ngọc Diệp, Trưởng phòng khám Da liễu cơ sở 2, Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM cho biết, đồi mồi không chỉ xuất hiện ở người già, có không ít người trẻ cũng gặp tình trạng này.
Da đồi mồi là dấu hiệu của lão hóa. Nguyên nhân là do sự sản sinh không đều của sắc tố melanin trên da. Ngoài ra, đồi mồi xuất hiện ở người trẻ còn liên quan đến di truyền sức khỏe, chế độ dinh dưỡng, điều kiện sinh hoạt. Việc sử dụng một số thuốc lợi tiểu, kháng sinh, mỹ phẩm không phù hợp… cũng góp phần làm tăng sắc tố của da.
Đồi mồi lúc đầu có màu nâu nhạt, nằm phẳng trên da, sau thời gian do tác động của môi trường (nắng, gió) sẽ chuyển sang màu nâu sậm và nổi cộm lên. Đồi mồi không phải là bệnh, chúng chỉ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ. Tuy nhiên, khi phát hiện những thay đổi như phần da đồi mồi gia tăng kích thước, màu sắc bất thường kèm theo ngứa, đau, đỏ hoặc chảy máu… thì cần phải đi khám, bởi những thay đổi này có thể là biểu hiện của khối u ác tính hoặc ung thư da.
Hiện nay, điều trị đồi mồi bằng đốt điện hoặc laser, kết hợp với kem dưỡng da có chứa thành phần điều trị đồi mồi đem lại những kết quả khả quan.
Da lòng bàn tay, bàn chân bị dày sừng, vết nứt càng sâu khi gặp thời tiết khô lạnh khiến người bệnh đau nhức, thỉnh thoảng có những đợt nổi mụn nước ngứa, là bệnh chàm tăng sừng, nứt nẻ.
Biểu hiện thương tổn ban đầu là khô da ở các đầu ngón tay, ngón chân, gót chân. Da tăng sừng, chỉ tay hằn sâu và nứt nẻ. Da đầu ngón dày sưng, xốp và tróc. Thỉnh thoảng có đợt nổi mụn nước, da đỏ và ngứa, nhất là khi tiếp xúc với hóa chất.
Bệnh ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống, cản trở bệnh nhân làm việc cũng như giảm sự tự tin khi tiếp xúc. Bệnh thường dai dẳng và hay tái phát. Nhiều người tự ý điều trị bằng cách tự mua thuốc về bôi hoặc đắp các loại lá, thoa mủ cây, thoa dầu… khiến bệnh ngày càng nặng.
Theo TS-BS Văn Thế Trung, Bộ môn Da liễu, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, người bị chàm tăng sừng cần đến bác sĩ da liễu để được điều trị đúng cách. Hiện có rất nhiều sản phẩm làm ẩm da đặc trị cho bệnh chàm, tuy nhiên người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, tuyệt đối không được dùng các sản phẩm không rõ nguồn gốc.
Ở vùng da gót chân nếu tăng sừng nhiều thì có thể dùng một số loại thuốc tiêu sừng như urea, acid salicylic. Không nên mài mòn gót chân vì việc này gây kích thích tăng sừng và bội nhiễm. Bệnh nhân cũng cần lưu ý tránh tiếp xúc hóa chất để hạn chế tái phát. Khi giặt quần áo, rửa chén, lau nhà cần mang găng tay.
Bình luận