Viêm da cơ địa  hay chàm là một bệnh da phổ biến, thường gặp trên khắp thế giới. Khoảng 10% dân số trên thế giới mắc bệnh viêm da cơ địa. Ở Việt Nam bệnh viêm da cơ địa chiếm 25% trong tổng số các bệnh ngoài da và là một trong những lý do hàng đầu khiến bệnh nhân phải đến khám bệnh da liễu.

Nguyên nhân và điều trị viêm da cơ địa

Nguyên nhân và điều trị viêm da cơ địa (ảnh minh họa)

Bệnh viêm da cơ địa không gây tử vong, nhưng gây ngứa ngáy, hoặc khô căng da khó chịu, và bệnh thường xuyên tái phát tới lui nhiều lần trong đời, và, như một số căn bệnh da khác, viêm da cơ địa cũng làm ảnh hưởng ít nhiều đến thẩm mỹ.  Viêm da cơ địa là một bệnh da viêm, ngứa, không lây truyền, có thể ở dạng cấp, bán cấp hay mạn tính. Biểu hiện về lâm sàng rất đa dạng nhưng nói chung bao giờ cũng có đặc tính sau:

- Về lâm sàng : có ngứa, có mụn nước sắp xếp thành từng mảng giới hạn không rõ, tiến triển thành từng đợt, dai dẳng hay tái phát.

- Về giải phẫu bệnh lý : có thương tổn thuộc loại xốp bào.

- Về sinh bệnh học : người ta cho rằng hai yếu tố cơ bản phát sinh ra viêm da cơ địa là cơ địa dị ứng và tác nhân kích thích ở trong hay ngoài vào cơ địa ấy. Cả hai yếu tố đều thay đổi nhiều ít tùy theo từng trường hợp.

Có nhiều hình thái, cách thức phân chia bệnh viêm da cơ địa. Để đơn giản, chúng ta tạm chia làm hai loại viêm da cơ địa: viêm da cơ địa khô và viêm da cơ địa ướt (khi thương tổn là những mụn nước, hoặc đang rỉ dịch, rất ngứa và dễ bội nhiễm). Những người có biểu hiện viêm da cơ địa khô nứt nẻ, thường xuất hiện ở bàn tay, bàn chân, nặng lên khi trời lạnh, hoặc khi tiếp xúc hóa chất, xà bông, chất tẩy rửa...

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh viêm da cơ địa trong đó người ta chia ra làm hai yếu tố là yếu tố cơ địa và dị ứng nguyên.

1. Cơ địa

- Có thể có tính chất gia đình, di truyền, tiền sử trong gia đình bệnh nhân có thể có người bị viêm da cơ địa, dị ứng, hen suyển. Có nhiều công trình mới đã chứng tỏ cơ địa là những biến đổi sinh vật, chuyển hóa các chất do rối loạn chức năng nội tạng, nội tiết, thần kinh

- Các tác nhân kích thích bên trong, kèm theo có thể bị viêm mũi xoang, xơ gan, viêm dạ dày, viêm đại tràng, viêm tai xương chũm, các bệnh về thận...

- Có thuyết cho rằng do rối loạn thần kinh vận mạch, rối loạn chức năng thận, tiêu hóa nhưng chưa được chứng minh.

2. Dị ứng nguyên

- Các thuốc hay gây phản ứng : lưu huỳnh, thủy ngân, thuốc tê, sunfamid, chlorocid , penicillin, streptomycin.

- Hóa chất gây bệnh do nghề nghiệp : xi măng, thuốc nhuộm, nguyên liệu làm cao su, sơn xe, dầu mỡ, than đá, phân hóa học, thuốc sâu, acit, kiềm,...

- Các sản phẩm vi sinh có cơ chế dị ứng : vi khuẩn, nấm, siêu vi.

- Các yếu tố môi trường sống : khói, bụi, lạnh, nóng, ẩm.

- Yếu tố tâm thần kinh cũng ảnh hưởng lên bệnh này, vì thế với một số người viêm da cơ địa cũng có thể nặng lên sau những chấn thương tâm lý, stress, lo âu căng thẳng.

Viêm da cơ địa không thể trị dứt hẳn được. Việc điều trị là nhằm kiểm soát các cơn ngứa, ngăn ngừa, hay trị liệu tình trạng bội nhiễm nếu có, làm giảm các biểu hiện viêm da, làm da mềm mại và loại bỏ các mảng vẩy, các rãnh nứt và làm giảm thiểu sự xuất hiện của những thương tổn mới trên da. Bệnh có những cơn thuyên giảm với những đợt tái phát cấp tính hay vẫn kéo dài kinh niên, ảnh hưởng không ít đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Những người mắc bệnh viêm da cơ địa cần tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, tìm và tránh tối đa những gì có thể là nguyên nhân gây bệnh cho mình như một số thức ăn, thuốc uống, mỹ phẩm, trang sức, xà phòng, hóa chất tẩy rửa, thuốc nhuộm... đồng thời cũng cần biết cách chế ngự stress, và luôn thực hiện theo đơn bác sĩ. Bên cạnh đó, ta cần thường xuyên thoa các chất giữ ẩm, làm mềm da và nên chọn các chất không màu, không mùi. Các chất này có thể thoa xen kẽ với các thuốc điều trị được bác sĩ  kê đơn và khi bệnh thuyên giảm, vẫn tiếp tục sử dụng thường xuyên mỗi ngày.

- Với trường hợp viêm da cơ địa ướt, bệnh nhân thường được khuyên dùng thuốc tím pha loãng để ngâm rửa thương tổn, thoa các dung dịch màu như màu xanh Methylene, màu đỏ Eosine, màu tím Gentian...

- Với những người bị viêm da cơ địa làm nứt nẻ ở bàn chân, gót chân thì việc bảo vệ bàn chân khỏi nguồn không khí lạnh như mang vớ mềm và thoa liên tục các chất giữ ẩm để làm mềm da là rất cần thiết .

- Các loại thuốc uống giúp an thần, giảm ngứa, giải mẫn cảm, kháng sinh hoặc các loại thuốc thoa có chứa chất corticosteroid, chất điều hòa miễn dịch, chất tiêu sừng... sẽ được bác sĩ chuyên khoa kê đơn tùy theo tuổi tác, cơ địa bệnh nhân, vị trí thương tổn, nguyên nhân, mức độ nặng nhẹ, giai đoạn bệnh...

- Vì tính cách đa dạng kèm theo diễn tiến phức tạp của bệnh với nhiều loại thuốc cần phải sử dụng, nhiều phương pháp điều trị  cũng như bác sĩ chuyên khoa cần phải được xem bệnh trực tiếp mới có thể có chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh , lời khuyên tốt nhất dành cho bệnh nhân là : nên được bác sĩ chuyên khoa Da Liễu khám bệnh trực tiếp và cho chỉ định điều trị, kèm theo những hướng dẫn chăm sóc vùng da bị tổn thương và phòng ngừa biến chứng, phòng ngừa bệnh tái phát.

 Kim Anh

Bình luận