Mụn trứng cá là bệnh da thường gặp ở mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất ở tuổi thanh thiếu niên với các tổn thương nhân trứng cá, các bọc, các mụn mủ, có khi để lại sẹo trên mặt ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ. Trứng cá gây cho “khổ chủ” cảm giác bối rối, bất an trong giao tiếp thậm chí dẫn đến tâm lý bi quan, trầm cảm, kém tự chủ, xa lánh bạn bè.

 
 

Ở tuổi dậy thì, các nội tiết tố phát triển tác động tới nhiều cơ quan tổ chức trong đó có da. Dưới tác động của nhiều chất nội tiết, da căng ra và các tuyến bã tăng tiết chất nhờn. Nhưng khi các tuyến bã bị tắc nghẽn do viêm nhiễm và dính bụi ở các mức độ khác nhau, dẫn đến các tổn thương như: hình thành những bọc mủ hay mụn rắn được gọi là mụn, mụn cám hay mụn trứng cá. Mụn trứng cá mọc chủ yếu ở mặt, ngực, quanh cổ. Nếu viêm nhiễm nhẹ, mụn trứng cá thường không để lại dấu vết. Tuy nhiên những trường hợp mụn bọc to, nhiễm khuẩn nặng thì có thể để lại sẹo. Như vậy, mụn trứng cá là một bệnh lý của da do nhiễm khuẩn lỗ chân lông và tuyến bã, hoặc do phản ứng của da với các loại hóa chất, hóa mỹ phẩm, kem dưỡng da không thích hợp gây ra.

cấu tạo nang lông

Sơ đồ cấu tạo nang lông

Quá trình hình thành mụn trứng cá

- Ở lỗ chân lông có một tuyến tiết ra chất nhờn thoát ra ngoài lỗ chân lông làm cho da khỏi bị khô. Giai đoạn dậy thì, tuyến này tiết ra nhiều chất nhờn khi bị khô đọng lại trong lỗ chân lông cùng với vi khuẩn có trên mặt da và lớp tế bào da chết tạo thành một cái nút bít lỗ chân lông lại gây nên ổ viêm, gọi là trứng cá. Trứng cá có khi trắng, có khi đốm đen, tùy theo cái nút nghẹt nhiều hay ít.

- Khi lỗ chân lông bị bít tắc, vi khuẩn kỵ khí nhất là loại P. acnes phát triển mạnh gây ngứa ngáy và tạo ổ viêm thành mụn trứng cá thực sự, biểu hiện là mụn nhỏ, tấy đỏ, có đốm mủ. Với thể nhẹ, mủ chỉ có ở nông trên lớp da ngoài. Trường hợp nặng là trứng cá nổi cục, khi viêm mủ sâu vào trong da thành mụn mủ bọc. Bọc mủ này có khi vỡ ra bên trong da và lan ra thành những bọc mủ lớn hơn, có khi nhiều bọc mủ ở dưới da ăn thông với nhau như ngõ ngách rất khó điều trị.

- Sẹo: trứng cá thường mọc ở mặt, cổ, vai lưng và ngực vì lỗ chân lông ở các vị trí này lớn hơn và tuyến sinh chất nhờn trong lỗ chân lông cũng lớn hơn các nơi khác. Trứng cá nhẹ thì không để lại sẹo, nhưng trứng cá nặng, khi bọc mủ vỡ ra ngoài và lành rồi thì thường có sẹo.

Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển trứng cá

-Chất nội tiết nam: làm cho các tuyến tiết chất nhờn ở lỗ chân lông to lên và tiết nhiều chất nhờn hơn. Do đó thanh thiếu niên nam đến tuổi dậy thì thường có nhiều trứng cá. Ở nữ cũng có chất nội tiết nam do tuyến thượng thận tiết ra, nếu nữ cường nội tiết nam thì cũng có nhiều mụn trứng cá.

Theo một nghiên cứu, tại Hoa Kỳ có khoảng 17 triệu người đi khám để chữa trứng cá ở các phòng mạch mỗi năm. Trong độ tuổi từ 12 - 25, thì có tới 85 % bị mụn trứng cá, nhiều nhất là tuổi 17-18 ở nam và 16 - 17 tuổi ở nữ. Trứng cá cũng có ở độ tuổi trên dưới 40 với tỷ lệ mắc khoảng 25%.

 

- Vi khuẩn phát triển trong chất nhờn bị đóng nghẹt ở lỗ chân lông, khi đó các tế bào bạch huyết của cơ thể được huy động đến để diệt vi khuẩn, kết quả là làm tổn thương tuyến sinh chất nhờn nơi lỗ chân lông và tạo ra mủ của mụn trứng cá.

- Một số yếu tố như: mỹ phẩm, một vài thứ thuốc như isoniazid, dilantin, một số hóa chất dùng trong kỹ nghệ có thể làm trứng cá mọc nhiều; thời tiết nóng và độ ẩm cũng làm tăng mụn trứng cá.

Điều trị và phòng mụn trứng cá như thế nào?

Điều trị mụn trứng cá thường phải kết hợp nhiều phương pháp mới có kết quả. Thuốc bôi chỉ có tác dụng làm cho các tuyến được thông thoáng, làm sạch chất bã, chống nhiễm khuẩn. Nếu bị nhiễm khuẩn trứng cá nặng phải sử dụng kháng sinh uống kéo dài hàng tháng theo chỉ định của bác sĩ. Có thể dùng một trong các thuốc sau để điều trị: các thuốc dùng tại chỗ như peroxid, tretinoin, erythromicin; thuốc uống: doxycyclin, tretinoin và các trị liệu nội tiết tố, dian 35, roacutan phối hợp với săn sóc da mặt.

Để phòng mụn trứng cá cần thực hiện một số biện pháp như sau: không nên ăn nhiều thức ăn có nhiều dầu, mỡ, hạt tiêu, tỏi, ớt, cà phê, rượu; nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả chứa nhiều vitamin C; uống nhiều nước đun sôi để nguội, ít dùng cà phê, ca cao, chocolate và các loại nước ngọt có ga; nên ngủ đủ từ 7-8 giờ mỗi ngày; tránh các loại stress mạnh hoặc nhẹ nhưng trường diễn; rửa mặt bằng nước sạch 2-3 lần mỗi ngày; không nên tự ý nặn mụn để tránh nhiễm khuẩn lan rộng; tránh lạm dụng mỹ phẩm; tập thể dục đều hằng ngày, tham gia một vài môn thể thao như bơi lội, đi bộ, thể dục nhịp điệu..., luôn giữ cho tinh thần thoải mái, lạc quan yêu đời.

SKĐS

Bình luận