Bị sởi chớ nên bỏ qua thông tin sau!
Nhận biết sớm những dấu hiệu khi bị sởi sẽ giúp bạn có biện pháp điều trị kịp thời cũng như ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Để hiểu rõ hơn về bệnh sởi và cách khắc phục, mời bạn tham khảo ngay những thông tin trong bài viết sau!
Bệnh sởi là gì?
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc họ Paramyxoviridae gây nên. Virus sởi tồn tại ở họng và trong máu người bệnh từ cuối thời kỳ ủ bệnh đến khi phát ban trong thời gian ngắn.
Hình ảnh virus gây bệnh sởi
Virus này có đặc điểm: Dạng hình cầu, đường kính 120 - 250nm, sức chịu đựng kém, dễ bị tiêu diệt bởi các thuốc sát khuẩn thông thường hoặc nhiệt độ cao, ánh nắng mặt trời… Sau khi xâm nhập được vào cơ thể, hệ miễn dịch sẽ lập tức nhận diện chúng là yếu tố “lạ” và kích thích sinh kháng thể đặc hiệu. Bởi vậy, hầu hết những người đã mắc sởi sẽ hiếm khi bị tái phát.
Sởi rất dễ bùng phát thành dịch, đặc biệt là trong thời điểm chuyển mùa hay nóng ẩm. Tình trạng này khá phổ biến ở trẻ nhỏ bởi đây là đối tượng có hệ miễn dịch còn non yếu, dễ bị virus tấn công và gây bệnh.
Bệnh sởi lây qua đường nào?
Việc biết được bệnh sởi lây như thế nào sẽ giúp chúng ta có biện pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ bị virus sởi tấn công. Vậy bệnh sởi lây qua đường nào?
Theo nghiên cứu, virus sởi có thể phát tán sang cơ thể khác thông qua đường hô hấp trực tiếp như: Ho, hắt hơi, nói chuyện,... Rất hiếm khi sởi lây qua những con đường khác bởi loại virus này dễ bị tiêu diệt ngoài môi trường.
Do đó, nên tạm thời cách ly người bị sởi để hạn chế khả năng lây lan ra cộng đồng, đặc biệt là trẻ nhỏ.
>>> Xem thêm: Bệnh sởi ở trẻ em cần lưu ý điều gì?
Triệu chứng điển hình của bệnh sởi là gì?
Bình thường, thời gian ủ bệnh của sởi là từ 7 -14 ngày. Trong thời gian này, người mắc bệnh sởi sẽ không có triệu chứng gì đặc biệt. Qua giai đoạn này, người mắc sẽ có những biểu hiện sởi như sau:
- Xuất hiện ban sởi đỏ nhỏ rất đặc trưng: Lúc mới đầu, ban nổi ở chân tóc, vùng gáy, cổ, sau đó lan dần ra mặt, rồi xuống ngực bụng, cuối cùng là xuất hiện toàn thân. Ban sởi tồn tại từ hai đến ba ngày rồi lặn theo trình tự đã mọc, đồng thời để lại trên da những vết thâm vằn như da báo, đồng thời giảm dần các biểu hiện khác đi kèm.
Hình ảnh trẻ bị sởi
- Sốt cao liên tục với nhiệt độ có thể lên tới 39 - 40°C.
- Khó thở, thở gấp.
- Viêm đường hô hấp, ho khan kéo dài có khi có ít đờm, chảy nước mũi.
- Mắt đỏ, có hiện tượng chảy nước mắt và sợ ánh sáng.
- Cơ thể mệt mỏi, chán ăn, đối với trẻ nhỏ, biểu hiện bệnh sởi còn kèm theo hiện tượng quấy khóc, không chịu chơi đùa.
Nếu không áp dụng biện pháp chữa trị kịp thời, người bị bệnh sởi có thể gặp các biến chứng như:
- Tiêu chảy hoặc ói mửa: Tiêu chảy sau sởi thường nguy hiểm và nghiêm trọng hơn rất nhiều so với tiêu chảy cấp do virus thông thường.
- Mờ hoặc loét giác mạc có thể gây mù lòa: Có thể xảy ra ở những trường hợp bị suy dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu vitamin A.
- Viêm tai giữa: Hiện tượng bệnh sởi gây biến chứng viêm tai giữa thường xảy ra với tỉ lệ 1/10 người mắc.
- Viêm phổi nặng: Có thể xảy ra khoảng 1/20 người mắc bệnh với hiện tượng khó thở, sốt rất cao.
Nguy cơ viêm phổi nặng do sởi
- Viêm não: Đây là biến chứng rất nguy hiểm và để lại di chứng cao. Viêm não có thể khiến người bệnh hôn mê, co giật, gây tử vong hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, thể chất.
- Trường hợp mắc sởi trong thai kỳ: Nguy cơ cao dẫn đến sảy thai, sinh non, dị tật bẩm sinh.
>> Xem thêm: Bệnh sởi và những thông tin cần biết
Hoài Anh
Bình luận