Bệnh sởi và những dấu hiệu đặc trưng mà bạn cần biết
Mỗi khi đến thời kỳ dịch sởi bùng phát, các bậc cha mẹ lại không khỏi lo lắng về nguy cơ lây nhiễm căn bệnh này và làm sao để phát hiện sớm. Do đó, việc phòng ngừa và sớm nhận biết những dấu hiệu sớm của bệnh sởi đóng vai trò rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe trẻ nhỏ.
Trẻ mắc bệnh sởi có dấu hiệu như thế nào?
Là một trong những bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, sởi thường được nhân rộng khi tiếp xúc trực tiếp hoặc hít phải các dịch tiết ở mũi và họng của người bệnh bị bắn ra, khuếch tán trong không khí. Bệnh sởi thường phát triển mạnh trong điều kiện môi trường ẩm thấp.
Trẻ bị phát ban khi mắc sởi.
Vậy khi mắc sởi, trẻ thường có biểu hiện như thế nào? Đó là những cơn sốt cao 38-40°C và kéo dài liên tục. Kèm theo là ho, hắt hơi, chảy nước mũi, viêm kết mạc (mắt có dử, phù mi nhẹ)... Đặc biệt, trên niêm mạc mà trẻ xuất hiện những hạt màu trắng hoặc hơi xám, có kích thước khoảng 1 milimet, rất dễ thấy khi há miệng to. Tuy nhiên, dấu hiệu này chỉ xuất hiện trong khoảng thời gian 12-18 giờ rồi hết. Sau 3-4 ngày sốt liên tục, trẻ sẽ bị nổi ban màu hồng nhạt, nhẵn, ấn vào thì biến mất và có thể gây ngứa. Bệnh khiến trẻ mệt mỏi, kém ăn, quấy khóc và suy nhược cơ thể. Khi các nốt ban bay đi, có thể để lại vết thâm trên da, bong vẩy nhẹ. Và một tuần sau thì sức khỏe trẻ sẽ hồi phục lại dần và không còn sốt nữa. Tuy nhiên, đó là kết quả đáng mừng nếu bệnh được điều trị đúng cách và kịp thời. Trong trường hợp phát hiện muộn, điều trị chưa hợp lý thì bệnh có thể khiến trẻ bị khó thở, sốt liên tục, co giật và gây biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi, viêm não tủy, loét giác mạc…
Phương Linh
Bình luận