Mụn trứng cá xảy ra phổ biến ở độ tuổi thanh niên và thường xuất hiện ở mặt, vai, lưng, ngực, thân mình, cánh tay, chân, mông. Tuy không nguy hiểm nhưng mụn trứng cá gây không ít phiền toái và ảnh hưởng tới vẻ đẹp của làn da người bệnh. Vậy khi bị mụn trứng cá, người bệnh cần chăm sóc làn da như thế nào?

Thông thường, mụn được chia thành 2 dạng: dạng không viêm (gồm mụn trứng cá đầu trắng, đầu đen) và dạng viêm (gồm mụn đầu đỏ, mụn mủ, nang, đinh râu, chốc lở,… gây đau, sưng, có mủ, khi bị vỡ có thể lan ra nhiều vị trí khác). Mụn trứng cá xuất hiện khi các đường dẫn tuyến bã nhờn trên da (lỗ chân lông) bị tắc nghẽn và tích tụ chất bẩn, vi khuẩn. Còn dạng mụn chốc lở, đinh râu,… xuất hiện khi da bị nhiễm khuẩn (tụ cầu, liên cầu). Thống kê cho thấy, có tới 80% thanh thiếu niên Việt Nam mắc bệnh trứng cá. Nếu không điều trị đúng cách, mụn trứng cá có thể để lại những vết thâm nám trên da, da mặt biến dạng, sẹo lỗ chỗ,… gây mất thẩm mỹ, ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, hiệu quả giao tiếp, giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.

 

Ảnh minh họa.

Theo các chuyên gia da liễu, khi bị mụn trứng cá cần thực hiện chế độ chăm sóc da đúng cách để ngăn ngừa bệnh nặng hơn:

  • Nên:

-         Rửa tay sạch trước khi chăm sóc da mặt

-          Giặt sạch khăn mặt, chăn gối để diệt vi khuẩn

-         Tránh các loại hóa chất tiếp xúc với da mặt như: gel xịt tóc, nước hoa…

-         Bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời và bụi bẩn bằng cách đeo khẩu trang khi đi ra ngoài

-         Ngủ đủ giấc, tránh stress, căng thẳng

-         Ăn nhiều rau xanh, trái cây, uống  nhiều nước  mỗi ngày.

  • Không nên:

-         Khi rửa mặt  không nên chà xát mạnh

-         Không nên nặn mụn vì khi đó mụn sẽ lây lan sâu hơn vào da, dẫn đến sưng và đỏ hơn, thậm chí để lại sẹo

-         Không dùng quá nhiều các loại thuốc trị mụn cùng một lúc

-         Không nên dùng nhiều mỹ phẩm khi da nhiều nhờn, nổi mụn

-         Không nên ăn thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ. 

Bình luận