Tay chân miệng là bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp, thường gặp ở trẻ em, có thể khỏi sau 5-7 ngày. Tuy nhiên, trong trường hợp tiến triển nặng, không được điều trị kịp thời và có biến chứng thì người bệnh có thể tử vong chỉ trong vài giờ. Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, các bậc cha mẹ không bao giờ được quên nguyên tắc “3 sạch” trong chế độ sinh hoạt hàng ngày của trẻ.

Nguyên tắc “3 sạch” giúp phòng ngừa tay chân miệng

Cuối tháng 5 vừa qua, chúng ta đã phải chứng kiến một bé gái (3 tuổi, ở Lâm Đồng) bị tử vong do căn bệnh này. Nguyên nhân là do bé bị tay chân miệng độ 2a rồi bệnh tiến triển nặng rất nhanh, gây biến chứng viêm phổi và suy hô hấp. Đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp thương tâm trẻ bị cướp đi mạng sống vì bệnh này tại nước ta. Do đó, hơn ai hết, mỗi bậc cha mẹ đều cần phải có ý thức bảo vệ và phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này cho con em mình. Và điều này được bắt đầu ngay từ trong thói quen sinh hoạt hàng ngày của trẻ phải đảm bảo nguyên tắc “ba sạch”: ăn sạch, ở sạch và chơi sạch.

Tre-can-rua-tay-thuong-xuyen-de-phong-ngua-tay-chan-mieng 

Trẻ cần rửa tay thường xuyên để phòng ngừa bệnh tay chân miệng.

Trước hết, trẻ cần được rèn thói quen rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt vi khuẩn nhiều lần trong ngày, đặc biệt là trước lúc ăn và sau khi đi vệ sinh. Khi chế biến thức ăn, trước lúc cho trẻ ăn uống hay sau khi làm vệ sinh, thay tã bỉm thì các bậc phụ huynh cần rửa tay sạch sẽ. Về việc ăn uống, cần ăn chín uống sôi, các vật dụng dùng khi ăn cần được rửa sạch sẽ. Trong sinh hoạt hàng ngày, cần dùng nước sạch. Với những trẻ nhỏ, cha mẹ cần luôn chú ý, không để trẻ dùng tay bốc thức ăn, mút tay hay cho đồ chơi vào miệng. Những vật dụng cá nhân của trẻ như khăn mặt, chăn, gối, bát, thìa… cần được khử trùng, giặt sạch. Đối với các đồ vật mà trẻ tiếp xúc hàng ngày như bàn, ghế, đồ chơi… cần được lau rửa và thường xuyên vệ sinh sạch sẽ.

Đặc biệt, nếu xung quanh có người mắc tay chân miệng hoặc nghi ngờ mắc bệnh thì cha mẹ tuyệt đối tránh cho trẻ tiếp xúc với họ. Nếu thấy trẻ có biểu hiện sốt, lười ăn, mọc mụn nước ở bàn tay, bàn chân hay trong miệng thì cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để kiểm tra và có hướng điều trị kịp thời. Khi trẻ mắc bệnh và điều trị tại nhà, nếu có dấu hiệu sốt cao liên tục, bỏ ăn… thì cha mẹ cần đưa trẻ tới bệnh viện để điều trị, tránh trường hợp bệnh nặng hơn, dẫn tới biến chứng nguy hiểm.

Hà Thu

Bình luận