Dịch bệnh đau mắt đỏ năm 2023 đang khiến nhiều học sinh, sinh viên nghỉ học, phụ huynh nghỉ làm. Hiện trên cả nước ghi nhận rất nhiều ca bệnh đau mắt đỏ mỗi ngày. Vậy “đau mắt đỏ do nguyên nhân nào, lây qua đường nào và có nguy hiểm không, nên làm gì” đều có trong bài viết này nhé!

Bệnh đau mắt đỏ là gì?

Bệnh đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc, là tình trạng mô trong suốt lót bề mặt bên trong mí mắt bị viêm đỏ. Người bị đau mắt đỏ có thể bị ở một hoặc cả hai mắt do virus, vi khuẩn, chất gây dị ứng,... Khi bị bệnh đau mắt đỏ, phần tròng trắng thường có màu hơi đỏ, mí mắt sưng húp. Mắt bị viêm có ghèn chảy ra hoặc đóng vảy trên lông mi, mí mặt.

Bệnh đau mắt đỏ xuất hiện ở mọi đối tượng, xảy ra quanh năm, rất dễ lây lan thành dịch, nhất vào khoảng thời gian chuyển từ mùa hè sang mùa thu.

Đau mắt đỏ rất dễ lây lan thành dịch bệnh

Đau mắt đỏ rất dễ lây lan thành dịch bệnh

Nguyên nhân dẫn đến đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến:

  • Do virus: Bệnh đau mắt đỏ xảy ra nguyên nhân chủ yếu do virus Adeno, Entero, một số trường hợp do virus Herpes simplex và virus Zoster. Bệnh đau mắt đỏ thường hết sau 7 – 14 ngày.
  • Do vi khuẩn: Bệnh đau mắt đỏ còn do vi khuẩn như lậu cầu, bạch hầu, liên cầu, phế cầu, hiếm gặp do não cầu.
  • Dị ứng mắt: Môi trường ô nhiễm, bụi, xà phòng, phấn hoa, lông động vật,... có thể gây kích ứng mắt, dẫn đến đỏ, ngứa và sưng.

Triệu chứng của đau mắt đỏ

Các triệu chứng của đau mắt đỏ bao gồm:

  • Đỏ mắt: Đây là triệu chứng điển hình nhất của đau mắt đỏ. Bệnh được điều trị kịp thời sẽ ít gây biến chứng làm tổn thương mắt hay ảnh hưởng đến thị lực.
  • Tiết nhiều dịch ở mắt: Người bị đau mắt đỏ do virus hoặc dị ứng thường hay bị chảy nước mắt nhiều. Còn đau mắt đỏ do vi khuẩn sẽ tiết dịch màu vàng xanh.
  • Ngứa hoặc cộm ở mắt: Người bệnh đau mắt đỏ sẽ cảm thấy ngứa, nóng rát hoặc khó chịu ở mắt như có vật gì bên trong mắt. Các triệu chứng này sẽ bắt đầu ở một mắt và sẽ lan sang mắt còn lại vài ngày sau.
  • Đóng màng, ghèn sau khi thức dậy: Do mắt tiết dịch, tích tụ lúc ngủ khiến cho hai mí dính lại với nhau khi thức dậy.
  • Nhạy cảm với ánh sáng: Người bị đau mắt đỏ có thể nhạy cảm nhẹ với ánh sáng. Hơn nữa, có thể xuất hiện thêm triệu chứng như đau mắt dữ dội, giảm thị lực, nhạy cảm với ánh sáng,... Nếu thấy xuất hiện những triệu chứng này, người bệnh hãy gặp bác sĩ để điều trị kịp thời.

Đỏ mắt và ghèn ở mắt là triệu chứng phổ biến của đau mắt đỏ

Đỏ mắt và ghèn ở mắt là triệu chứng phổ biến của đau mắt đỏ

Ai có nguy cơ bị đau mắt đỏ?

Những người có nguy cơ bị đau mắt đỏ, bao gồm:

  • Tiếp xúc gần như bắt tay, chạm với người bị đau mắt đỏ. Khi đó, virus, vi khuẩn sẽ di chuyển từ tay người bệnh sang tay bạn và chạm vào mắt.
  • Người chạm vào các bề mặt bị nhiễm khuẩn, nhiễm virus và sau đó chạm vào mắt.
  • Dùng đồ trang điểm mắt cũ, dùng chung đồ trang điểm nhiễm vi khuẩn, virus.
  • Bệnh đau mắt đỏ cũng lây truyền qua đường tình dục, khi bạn chạm vào tinh dịch hoặc dịch nhờn âm đạo bị nhiễm trùng và sau đó chạm vào mắt.

Những biến chứng của bệnh đau mắt đỏ 

Bệnh đau mắt đỏ thường lành tính, ít khi gây biến chứng. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giác mạc và làm giảm thị lực. Hơn nữa, đau mắt đỏ kéo dài hoặc điều trị không đúng cách có thể gây một số biến chứng khác như viêm, loét giác mạc và thậm chí là mù lòa.

Vì vậy, khi xuất hiện các triệu chứng bất thường như mắt bị đỏ, đau, nhức, cộm,... hãy đến bác sĩ chuyên khoa Mắt để được chẩn đoán, điều trị kịp thời và phòng ngừa lây lan bệnh.

Suy giảm thị lực là biến chứng của bệnh đau mắt đỏ

Suy giảm thị lực là biến chứng của bệnh đau mắt đỏ

Điều trị đau mắt đỏ như thế nào?

Tùy vào từng nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng mà bác sĩ sẽ chỉ định thuốc khác nhau cho phù hợp.

  • Đau mắt đỏ do virus: Tuy không cần dùng đến kháng sinh nhưng cần tuân thủ lời dặn của bác sĩ. Bác sĩ có thể kê thuốc kháng virus acyclovir để điều trị viêm kết mạc nghiêm trọng hơn.
  • Đau mắt đỏ do vi khuẩn: Đau mắt đỏ do vi khuẩn thường xuất hiện triệu chứng đau, đỏ mắt, nhiều mủ dính trong mắt, màu vàng xanh, kéo dài cả ngày nên bác sĩ có thể chỉ định thuốc uống và dùng thuốc mỡ. 
  • Đau mắt do dị ứng: Bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng histamin để giúp giảm đau mắt đỏ do nguyên nhân này.

Những lưu ý tại nhà khi bị đau mắt đỏ 

Khi bị đau mắt đỏ, bạn cần lưu ý như sau:

  • Có thể chườm lạnh để giúp mắt bớt khó chịu, giảm sưng mi. Rửa tay thường xuyên với xà phòng, trước và sau khi ăn, đi vệ sinh hoặc sau khi hắt hơi hoặc ho. 
  • Tránh dùng chung bát, khăn mặt… với người khác. Tránh dụi mắt và nên nghỉ học, nghỉ làm trong 1 tuần.
  • Rửa mắt bằng nước muối sinh lý 0,9 % để loại trừ mủ.
  • Ngừng đeo kính áp tròng cho đến khi hết bệnh đau mắt đỏ.
  • Sử dụng khăn giấy sạch mỗi khi lau mặt và mắt. Không chạm tay vào mắt.
  • Không trang điểm mắt khi mắt đang bị đau mắt đỏ, bỏ các đồ trang điểm cũ. Không dùng chung đồ trang điểm với người khác.
  • Tập thể dục, ăn đủ chất, tránh lây lan thành dịch.

Sử dụng nước muối sinh lý để giúp mắt dễ chịu hơn

Sử dụng nước muối sinh lý để giúp mắt dễ chịu hơn

Bị bệnh đau mắt đỏ nên ăn gì và không nên ăn gì?

Khi bị đau mắt đỏ, bạn cần có một chế độ ăn phù hợp, cụ thể như sau:

  • Bạn nên bổ sung các loại thực phẩm nhiều vitamin A như: Khoai lang, bí ngô, cà chua, ớt chuông xanh, rau có lá màu xanh đậm, sản phẩm từ sữa,...
  • Thực phẩm giàu vitamin C: Đu đủ, kiwi, xoài, cải xanh, dâu tây, ớt chuông,...
  • Thực phẩm giàu vitamin B: Thịt gà, trứng, gan động vật, bông cải xanh, nấm, cá hồi, các loại hạt và đậu,...
  • Thực phẩm giàu vitamin K: Trứng, dưa chuột, cần tây, cà rốt, măng tây, rau xà lách, bông cải xanh…

Đồng thời, bạn không nên ăn thực phẩm cay nóng, có mùi tanh, nhiều dầu mỡ, các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, nước uống có gas. Bởi các loại thực phẩm này có thể làm cho tình trạng đau mắt đỏ trở nên trầm trọng và lâu lành hơn. Trường hợp bệnh đau mắt đỏ kéo dài dai dẳng, không có dấu hiệu thuyên giảm, người bệnh nên gặp bác sĩ chuyên khoa mắt để điều chỉnh toa thuốc hay có giải pháp chữa trị bệnh đau mắt đỏ phù hợp hơn.

Đau mắt đỏ là bệnh nhiễm trùng mắt phổ biến hiện nay gây viêm các mô lót mí mắt. Thông qua bài viết này, mong rằng người bệnh hiểu hơn về bệnh đau mắt đỏ để nhận nhận biết sớm và điều trị kịp thời, đồng thời thực hiện các bước phòng ngừa bệnh để tránh lây bệnh cho người khác.

Nếu có thắc mắc gì, bạn hãy bình luận bên dưới bài viết để được chuyên gia giải đáp chi tiết nhé!

Quỳnh Thư

Bình luận