Tìm hiểu bệnh đau mắt đỏ và biện pháp phòng ngừa bệnh
Dịch đau mắt đỏ (viêm kết mạc) năm 2023 đang diễn ra rầm rộ, ghi nhận tại TP.HCM lên tới 63.309 ca bệnh đau mắt đỏ, tăng 15,38% so với cùng kỳ năm 2022. Hiểu được bệnh đau mắt đỏ sẽ giúp bạn nhận biết và nắm bắt một số cách phòng ngừa bệnh trong tình trạng bùng dịch hiện nay.
Bệnh đau mắt đỏ là gì?
Bệnh đau mắt đỏ (hay viêm kết mạc) là tình trạng mô trong suốt lót bề mặt bên trong mí mắt và lớp phủ bên ngoài mắt bị viêm đỏ. Người bệnh có thể bị đau mắt đỏ ở một hoặc cả hai mắt do virus, vi khuẩn, tác nhân dị ứng và nhiều nguyên nhân khác gây ra. Khi bị bệnh đau mắt đỏ, phần tròng trắng (bề mặt nhãn cầu) của người bệnh có màu hồng nhạt hoặc hơi đỏ, mí mắt sưng húp và rủ xuống. Mắt bị viêm có chất lỏng chảy ra hoặc đóng vảy trên lông mi hoặc mí mặt.
Nguyên nhân của bệnh đau mắt đỏ
Một số yếu tố có thể là căn nguyên gây bệnh đau mắt đỏ như:
- Nhiễm khuẩn, nhiễm virus: một số chủng phổ biến gây đau mắt đỏ, bao gồm: phổ biến gây viêm kết mạc, bao gồm: Adenovirus, Staphylococcus aureus, Haemophilus influenzae,...
- Dị ứng: Căn nguyên có thể do nấm mốc, phấn hoa hoặc các chất khác khiến người bệnh dị ứng. Lúc này, cơ thể tạo ra kháng thể immunoglobulin E kích hoạt các tế bào đặc biệt trong màng nhầy của mắt và đường thở giải phóng các chất gây viêm, bao gồm histamine. Khi cơ thể giải phóng histamine sẽ xuất hiện một số triệu chứng dị ứng như đau mắt đỏ.
Nguyên nhân thường gặp của bệnh đau mắt đỏ
- Hóa chất bắn vào mắt: Bệnh có thể do dầu gội, mỹ phẩm, khói hoặc chất clo trong hồ bơi tác động hoặc bắn vào mắt và gây đỏ. Hơn nữa, việc vệ sinh mắt để rửa sạch hoạt chất có thể khiến mắt đỏ và kích ứng.
- Tiếp xúc với người đang bị đau mắt đỏ khác: Tay bạn có thể ẩn chứa các tác nhân gây đau mắt đỏ. Vì vậy, bạn hãy rửa tay sạch sẽ và tuyệt đối không được chạm vào mắt nếu chưa vệ sinh tay.
Triệu chứng bệnh đau mắt đỏ
Dưới đây là các triệu chứng điển hình của bệnh đau mắt đỏ:
- Đỏ mắt: Đây là triệu chứng đau mắt đỏ điển hình. Bệnh nếu được điều trị kịp thời sẽ ít gây biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến thị lực.
- Ngứa hoặc cộm ở mắt: Người bệnh cảm thấy ngứa, nóng rát hoặc khó chịu ở mắt. Các triệu chứng bắt đầu ở một mắt và vài ngày sau sẽ lan sang mắt còn lại.
- Tiết nhiều dịch ở mắt: Nước mắt chảy nhiều thường thấy ở người bị đau mắt đỏ do virus hoặc dị ứng. Đau mắt đỏ do vi khuẩn sẽ tiết dịch mủ màu vàng xanh.
Đỏ mắt, tiết dịch nhầy là dấu hiệu điển hình của đau mắt đỏ
- Nhạy cảm với ánh sáng: Người bệnh có thể nhạy cảm nhẹ với ánh sáng. Hơn nữa, người bệnh có thể xuất hiện một số triệu chứng nghiêm trọng như đau mắt dữ dội, suy giảm thị lực, nhạy cảm với ánh sáng,… có thể do nhiễm trùng nặng, lan ra ngoài kết mạc và viêm bên trong mắt. Nếu người bệnh thấy xuất hiện những triệu chứng này, hãy gặp bác sĩ để điều trị kịp thời.
- Đóng màng, ghèn sau khi thức dậy: Mắt tiết dịch và tích tụ lúc ngủ khiến hai mí dính nhau khi thức dậy.
- Chảy nước mắt: Người bệnh thường chảy nhiều nước mắt hơn nếu đau mắt đỏ do virus hoặc dị ứng.
Cách phòng bệnh đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng, tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh.
Các biện pháp cụ thể mọi người cần thực hiện như sau:
Khi không có dịch:
- Luôn đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch.
- Dùng riêng khăn, gối, chậu rửa mặt.
- Giặt sạch khăn mặt bằng xà phòng và nước sạch, phơi khăn ngoài nắng hàng ngày.
- Không dùng tay dụi mắt.
Khi đang có dịch đau mắt đỏ:
Ngoài việc luôn thực hiện các biện pháp trên, cần lưu ý thực hiện thêm các biện pháp sau:
- Rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
- Rửa mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý (nước muối 0,9%), ngày ít nhất 3 lần vào các buổi sáng, trưa, tối.
- Không dùng chung thuốc nhỏ mắt, không dùng chung đồ đạc với người đau mắt.
Vệ sinh cá nhân sạch sẽ giúp phòng ngừa đau mắt đỏ
- Hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt.
- Hạn chế đến những nơi đông người đặc biệt là những nơi có nhiều mầm bệnh như bệnh viện…
- Hạn chế sử dụng các nguồn nước bị ô nhiễm, hạn chế đi bơi.
Điều trị đau mắt đỏ tại nhà
Bệnh nhân khi điều trị đau mắt đỏ tại nhà cần lưu ý một số lời khuyên dưới đây:
- Rửa mắt, giữ vệ sinh mắt sạch sẽ. Về thuốc nhỏ mắt sử dụng trong bệnh đau mắt đỏ, người mắc bệnh có thể dùng nước muối sinh lý (Natri clorid 0,9%) hoặc nước cất để rửa mắt.
- Lau rửa ghèn, rửa mắt ít nhất 2 lần một ngày bằng bông, lau xong vứt bỏ ngay, tránh bệnh lây lan.
- Không tra thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn vào mắt lành.
- Chườm lạnh bằng cách đắp một chiếc khăn ướt, mát lên mắt trong các trường hợp mắt phù nề sưng tấy đỏ.
- Những người bị viêm kết mạc đang hoạt động có thể sử dụng kính bảo hộ tối màu để giúp giảm chứng sợ ánh sáng và ngăn ngừa việc chạm vào mắt thường xuyên.
- Không tự ý sử dụng thuốc nhỏ có chứa corticoid hay những thuốc chưa rõ thành phần vào mắt. Điều này không những không có tác dụng mà còn làm tổn thương nặng hơn, kéo dài thời gian bệnh và lây lan của bệnh, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; cần được nghỉ học/ nghỉ làm để tránh lây nhiễm người xung quanh và lây lan cộng đồng.
Đau mắt đỏ thường không nghiêm trọng. Hiểu đúng về nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết giúp người bệnh có biện pháp điều trị và phòng ngừa đau mắt đỏ hiệu quả. Hy vọng bài viết đã mang lại những thông tin hữu ích và thiết thực đối với bạn đọc.
Trúc Diệp
Bình luận