Bệnh vẩy nến biểu hiện lâm sàng là các mảng đỏ có giới hạn rõ ràng, đóng vẩy trắng đục, khi cạo ra như sáp nến, trường hợp nặng sẽ lan rộng toàn thân. Những mảng vẩy trên da khiến bệnh nhân luôn tự ti, mặc cảm. Đặc biệt, mọi người xung quanh thường có tâm lý lo lắng về khả năng lây nhiễm.

Anh Bùi Anh Tuấn (Hải Dương) mắc vẩy nến từ vài năm nay ở nhiều vị trí trên cơ thể, đặc biệt là những vùng tỳ đè như: khuỷu tay, đầu gối, bụng… Các vẩy trắng bong ra khi gãi và để lại một lớp dưới màu hồng, đôi khi có rớm máu. Căn bệnh này làm anh Tuấn luôn cảm thấy tự ti, ngại giao tiếp vì lo ngại vẩy nến sẽ lây sang những người xung quanh.

Theo các chuyên gia y tế, vẩy nến không phải là bệnh truyền nhiễm nên không thể lây lan. Nguyên nhân gây bệnh có liên quan đến sự rối loạn của hệ miễn dịch, một số tế bào miễn dịch thay vì tấn công yếu tố lạ xâm nhập vào cơ thể như: vi khuẩn, virus… thì lại tác động lên chính biểu bì, khiến các tế bào này nhanh chóng chết đi. Ngoài ra, vẩy nến còn liên quan đến yếu tố di truyền. Một số nguyên nhân khác như: stress, chấn thương, nhiễm khuẩn… cũng làm bệnh tái phát hoặc trầm trọng thêm.

Tuy không lây lan và ít gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng vẩy nến khó điều trị vì hiện nay chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn, mà chủ yếu giúp cải thiện triệu chứng bệnh. Trong khi đó, các thuốc điều trị có thể gây tác dụng phụ, đặc biệt là nhóm thuốc corticoid. Một số loại thuốc như: methotrexate, cyclosporin, retinoids có nhiều độc tính nên bệnh nhân cần được sự chỉ định của thầy thuốc. Quang hóa trị liệu cũng là một biện pháp thường được áp dụng đối với vẩy nến thể nặng, nhưng có thể tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư da.

Thu Thủy

 

Bình luận