Viêm mô tế bào răng (hay viêm mô tế bào do răng) là biểu hiện tổn thương mô mềm trong niêm mạc miệng, có thể khu trú tại một vị trí hoặc lan rộng khắp đường nướu và vùng xung quanh, thường đi kèm với: Viêm quanh thân răng, viêm nha chu, hoại tử tủy,... Vậy phải làm gì để đẩy lùi tình trạng này hiệu quả? Hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây để biết, bạn nhé!

 

Dấu hiệu nhận biết viêm mô tế bào răng là gì?

Theo nghiên cứu, viêm mô tế bào răng có thể tiến triển theo mức độ ngày càng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Cụ thể như sau: 

- Viêm mô tế bào thanh dịch cấp: Giai đoạn đầu của viêm mô tế bào với biểu hiện đặc trưng là mặt bị sưng phù, căng bóng, đau nhức hàm âm ỉ hoặc theo đợt.

 Tình trạng sưng mặt khi bị viêm mô tế bào thanh dịch cấp 

Tình trạng sưng mặt khi bị viêm mô tế bào thanh dịch cấp

- Viêm mô tế bào có mủ: Nếu triệu chứng chưa được khắc phục ở giai đoạn trên thì sẽ có nguy cơ cao tiến triển sang tình trạng viêm mô tế bào có mủ. Người mắc cảm giác đau răng nhiều hơn, răng lung lay, nướu tấy đỏ, hơi thở có mùi khó chịu, xuất hiện túi mủ, khiến mặt sưng phù lên. Kèm theo đó là tình trạng sốt cao, khó hoạt động miệng, nhiều trường hợp không thể ăn ngủ được.

- Viêm mô tế bào lan tỏa: Đây là tình trạng khá nguy hiểm và phức tạp, tiến triển từ viêm mô tế bào có mủ, gây ảnh hưởng lớn tới hệ răng miệng và sức khỏe tổng thể. Lợi sưng phồng, đỏ thẫm, sờ thấy mềm, niêm mạc miệng đôi khi xuất hiện những nốt phỏng chứa dịch bên trong. Đau răng dữ dội, lan khắp quanh hàm, có thể “chạy” xuống dưới cổ, khiến mặt sưng nề nhanh, không thể mở miệng. Người mắc cũng có thể bị sốt 39 - 40 độ C, người đau nhức, mệt mỏi, suy kiệt.

Bị viêm mô tế bào răng phải làm sao?

Để khắc phục nhanh chóng triệu chứng của viêm mô tế bào răng, bạn sẽ được chỉ định điều trị đơn lẻ hoặc kết hợp những phương pháp sau:

Sử dụng thuốc

Phác đồ thường được áp dụng cho trường hợp này là:

- Kháng sinh: Nhóm macrolid, beta-lactam, quinolon, cyclin,… 

- Thuốc chống viêm: Có thể dùng thuốc chống viêm dạng men (alpha - chymotrypsin) hoặc corticoid (nhưng cần theo dõi và tránh sử dụng dài ngày).

- Thuốc giảm đau: Thường sử dụng nhóm NSAIDs trong trường hợp đau nhức nhiều.

- Tăng cường đề kháng, nâng cao thể trạng: Bổ sung vitamin nhóm B, vitamin C và những khoáng chất thiết yếu khác.

  Nhiều người phải dùng thuốc khi bị viêm mô tế bào răng

Nhiều người phải dùng thuốc khi bị viêm mô tế bào răng

Thực hiện thủ thuật

Tùy vào thể trạng của người mắc và mức độ tổn thương mà chuyên gia sẽ thực hiện các biện pháp phù hợp.

- Cắt chóp răng, rạch tháo dịch qua đường niêm mạc nếu xuất hiện ổ viêm sâu, nhiều mủ. 

- Trường hợp tiến triển đến giai đoạn viêm mô tế bào lan tỏa trên nhiều vị trí, cần phải gây mê, sau đó rạch tháo dịch nhầy, nhằm ngăn ngừa hoại tử trên niêm mạc. 

- Nhổ bỏ răng nếu cần thiết.

Chăm sóc tại nhà

Bên cạnh việc thực hiện các biện pháp trên, áp dụng một lối sống khoa học, lành mạnh là vô cùng quan trọng nhằm khắc phục nhanh triệu chứng và ngăn chặn tình trạng viêm tế bào mô tái phát.

- Chăm sóc răng miệng thường xuyên: Chải răng ít nhất 2 lần/ngày, kết hợp dùng chỉ nha khoa và súc miệng sau khi ăn để loại bỏ thức ăn thừa hay mảng bám dính trên răng. 

- Tăng cường rau, củ, quả giàu vitamin và khoáng chất có khả năng chống oxy hóa, kháng viêm như vitamin A, C, E, omega - 3,... giúp cải thiện tốt tình trạng sưng viêm lợi, chảy máu chân răng, hơi thở có mùi,...

- Kiêng thức ăn cay, nóng, chiên xào nhiều dầu mỡ, thực phẩm nhiều đường vì làm tăng nguy cơ mắc bệnh răng miệng. Bạn cũng nên tránh sử dụng rượu, bia, ngừng hút thuốc lá vì các chất độc trong đó có thể gây kích ứng nướu lợi, làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến răng miệng khó lành lại khi bị tổn thương, mà còn làm giảm hiệu quả của những phương pháp điều trị khác.

- Nên chế biến thức ăn ở dạng mềm, dễ nhai, không nên ăn đồ quá nóng hoặc quá lạnh.

- Bổ sung đủ 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày, có thể thay thế bằng các loại nước ép, canh,... để ngăn ngừa khô miệng. 

Lê An

Bình luận