THÔNG TIN CẬP NHẬT VỀ CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH VẨY NẾN
Vào lúc 8h30, thứ 7, ngày 26/07/2014, tại Hội trường Tầng 2- Hoa sen 6- Khách sạn Kim Liên- Hà Nội diễn ra Hội thảo khoa học chuyên đề: “THÔNG TIN CẬP NHẬT VỀ CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH VẨY NẾN” do Công ty TNHH Mỹ phẩm Spaphar tổ chức. Hội thảo nhằm mang đến thông tin cập nhật và những giải pháp mới trong việc chẩn đoán, điều trị bệnh vẩy nến giai đoạn hiện nay.
Đặc biệt, tại Hội thảo có sự tham gia trình bày trao đổi của các Giáo sư, bác sĩ đầu ngành trong lĩnh vực y dược như: PGS. TS Đặng Văn Em- Phó Chủ tịch Hội Da liễu Việt Nam- Chủ nhiệm khoa Da liễu Dị ứng- Bệnh viện TƯ Quân đội 108, PGS.TS.BSCKII Trần Quốc Bình- Giám đốc bệnh viện YHCT TƯ, cùng nhiều bác sĩ tại các bệnh viện trên toàn TP. Hà Nội và cơ quan thông tấn báo chí.
Theo thống kê, bệnh vẩy nến (Psoriasis) chiếm 5% dân số châu Âu, 2% dân số châu Á, châu Phi, xấp xỉ 10% tổng số bệnh nhân đến khám ở những phòng khám Da liễu và có tỷ lệ mắc không ngừng gia tăng qua các năm. Bệnh có biểu hiện trên da bằng các mảng da chết dày lên trên nền đỏ, phân ranh giới rất rõ với vùng da lành bên cạnh, kích thước từ vài mm đến hàng chục cm... Trong trường hợp nặng, bệnh lan rộng toàn thân.
Tổn thương trên da do bệnh vẩy nến
Khi cạo, gãi, vẩy bong ra dễ dàng giống như sáp nến hoặc có khi là mảng lớn. Các thương tổn này thường xuất hiện đầu tiên ở vùng da đầu, sau đó đến vị trí thường bị tỳ đè như khuỷu tay, đầu gối, vùng sinh dục hoặc nếp gấp... Khi bị vẩy nến tại móng tay, móng chân, các móng này sẽ trở nên xù xì, giòn, dễ gãy. Trường hợp nặng, bệnh có thể gây sưng, đau và biến dạng các khớp làm hạn chế vận động (vẩy nến thể khớp); trên da xuất hiện các mụn mủ ở lòng bàn tay, bàn chân hoặc khắp người (vẩy nến thể mủ). Bệnh cũng có thể làm cho da toàn thân bị đỏ, căng không hồi phục (vẩy nến thể đỏ da toàn thân). Bệnh nhân có tâm lý tự ti, trầm cảm, cô lập xã hội, ngại giao tiếp với mọi người xung quanh. Chính tâm lý bi quan, lo lắng càng làm bệnh thêm phức tạp, hạn chế kết quả điều trị.
Rất nhiều loại thuốc đã được sử dụng trong điều trị vẩy nến. Đó là các thuốc cổ điển (asen, bismuth, DDS), hiện đại (kháng sinh, corticoid, cyclosporin, interferon, interleukin...) hoặc kết hợp với các thuốc chống viêm, bạt sừng, tái tạo tế bào da. Ngoài ra, vẩy nến còn được điều trị bằng PUVA (quang hóa liệu pháp)… Tuy nhiên, tất cả các phương pháp trên đều có thể gây tác dụng phụ, hiệu quả điều trị không bền vững, bệnh dễ tái phát.
Thanh Hòa
Bình luận