Bệnh thủy đậu hay gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ chưa được tiêm phòng. Khi mắc thủy đậu, nhiều cha mẹ lại bắt trẻ kiêng nước, không tắm rửa. Đây là sai lầm phổ biến hiện nay.

Triệu chứng của bệnh thủy đậu

Trẻ bị thủy đậu thường có các triệu chứng nổi mụn nước ở vùng đầu, mặt, chân và có thể nổi toàn thân. Mụn thường có đường kính từ 1-3mm, chứa dịch trong. Trong trường hợp nặng, mụn nước chứa mủ và có kích thước to hơn. Ngoài ra, trẻ còn bị sốt, đau đầu, đau cơ, ngứa ngáy… Bệnh thủy đậu kéo dài từ 7-10 ngày, khi đó, các nốt đậu khô dần, bong vẩy và không để lại sẹo. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc, điều trị đúng cách thì mụn nước có thể để lại sẹo, gây mất thẩm mỹ và nặng hơn là các biến chứng như: nhiễm trùng huyết, viêm phổi,...

Về điều trị thì chỉ cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi bị sốt cao và dùng các loại thuốc bôi để cải thiện triệu chứng của bệnh. Ngoài ra, việc chăm sóc, vệ sinh cơ thể trẻ cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trước kia, nhiều bậc cha mẹ thường bắt trẻ kiêng tắm. Đây là một trong những quan điểm sai lầm bởi nếu cơ thể không được vệ sinh sạch sẽ thì trẻ sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng tại các nốt mụn nước. Do đó, trẻ bị thủy đậu cần thay quần áo hàng ngày, tắm bằng nước ấm giúp làm sạch da, ngăn chặn nguy cơ bội nhiễm do vi khuẩn. Tuy nhiên, cần lưu ý, tắm nhanh hơn bình thường, không gãi hay trà sát để tránh làm vỡ mụn nước; dùng khăn thấm khô nước và bôi thuốc vào vùng da tổn thương. Đặc biệt, khi bị sốt, việc tắm nhanh bằng nước ấm cũng giúp hạ nhiệt, giảm sốt cho trẻ.

 

Trẻ nhỏ dễ mắc bệnh thủy đậu.

Tuấn Minh

Bình luận